Tóm tắt bài viết:
Số bạn đọc đã đọc bài viết 957
Rate this post
Xem Cafe Racer – phong cách chơi xe cổ điển thời hiện đại
Trong thời điểm mà các hãng xe đua nhau cho ra đời các mẫu xe hiện đại, đầy tính năng tân tiến thì các dòng xe cổ điển dần trôi vào quên lãng. Tuy nhiên, có không ít tay chơi vẫn yêu thích chủng loại xe cổ độ như phong cách Cafe Racer. Vậy, chúng ta biết gì về dòng xe này và nguồn gốc của nó xuất phát từ thời điểm nào??
Cafe Racer – phong cách xe đua từ thập niên 60 – 70.
Café racer có thể kể đến là trào lưu motor có sức ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử. Không chỉ lâu đời với phạm vi toàn cầu, thiết kế của những chiếc café racer sơ khai tập trung vào tốc độ và hiệu suất vận hành chính là tư tưởng để tạo nên những chiếc xe thể thao ngày nay. Bắt nguồn từ Anh quốc nửa cuối 1950, café racer đạt đến cao trào trong trong thập kỷ 60 – 70 và thoái trào dần sau đó. Cụm từ “café racer” khi đó vốn được dùng để chế nhạo những cậu trai chỉ đua loanh quanh các quán cà phê thay vì tham gia vào một cuộc đua thực sự: “You’re not a real racer, you’re not Barry Sheen, you’re just a café racer!”. Tuy nhiên những nạn nhân của sự chế nhạo lại cảm thấy thích thú với cách gọi đó, và dần dà nó đã trở thành đại diện cho một phong cách phóng túng đầy mê hoặc tới tận bây giờ.
Các chiếc xế ngày xưa.
Một trong những địa điểm khai sinh ra trào lưu café racer là quán Ace Café tại Lodon. Vào những năm 50 – 60, Ace là nơi tụ tập ưa thích của đám thanh niên, họ đến đó tán chuyện, nghe rock ‘n roll và tổ chức những cuộc đua ngắn. Sở dĩ họ tập trung tại đó vì rock n roll còn chưa được thừa nhận, người ta không phát chúng trên radio hay chơi trong các club mà chỉ có những quán như Ace, Busy Bee hay Rising Sun mới chơi bằng máy hát tự động. Đó là một thế hệ của những thanh niên khao khát tự do và ham chinh phục tốc độ. Họ mua cho mình chiếc motor chỉ vừa túi tiền eo hẹp, rồi tự độ lại để đạt tới ngưỡng 100 dặm/h (160 km/h) mà chỉ có những chiếc xe rất đắt tiền mới đạt được. Từ một chiếc xe phổ thông, để tạo ra một chiếc café racer, người ta sẽ thay ghi đông sang kiểu clip-on, cắm thẳng vào ti phuộc và kéo lại gần bình xăng giống như sport bike ngày nay. Sự thay đổi này khiến dáng ngồi của người lái rạp xuống để tránh sức cản của gió. Thay ghi đông dẫn đến thay đổi cơ bản thứ hai là yên xe. Yên xe máy thời đó thường được thiết kế phẳng đủ chỗ cho hai người, nhưng khi tư thế ngồi của người lái bị thay đổi yên xe cũng cần làm lại để chống trượt. Do đó yên của café racer thường thấy sẽ chỉ có 1 chỗ ngồi với phía sau lồi lên để cố định vị trí lái.
Một chiếc Norvin điển hình với động cơ Vincent V-twin và khung Featherbed.
Bình xăng của chiếc xe ban đầu sau này cũng được thay thế bằng bình xăng tự chế lớn hơn, từ 15 – 25L, đảm bảo cho xe chạy được vài trăm dặm không cần nghỉ. Bình xăng café racer cũng có hình dáng khá đặc trưng: dài, mặt dưới phẳng, phần gần người lái móp lại để hai chân có thể ép sát. Một bộ ốp cắt gió được lắp thêm, biến đầu xe thành hình viên đạn, làm tăng tính khí động học khi di chuyển. Đây cũng là một yếu tố định hình cho sport bike nhiều năm về sau.Tất cả những thay đổi đó được đặt trên một bộ khung café racer tiêu chuẩn, phổ biến nhất là khung Featherbed của Norton hoặc khung BSA. Sự lựa chọn này là điều tất yếu vì vào thời kỳ đó, khung Featherbed và BSA là những bộ khung có chất lượng tốt nhất. Cuối cùng cần phải kể đến động cơ được sử dụng. Động cơ của Triumph Bonneville 650cc là lựa chọn khá phổ biến cho đến nửa đầu thập kỷ 70. Sự phối hợp của động cơ và khung xe tạo nên các nhánh con của Café racer là Triton (động cơ Triumph và khung Norton), Tribsa (động cơ Triumph và khung BSA), Norbsa (động cơ BSA và khung Norton), hay Norvin (động cơ Vincent V-twin và khung Norton)… Đây là những dòng phổ biến nhất của café racer cho đến khi xe Nhật bắt đầu chiếm lĩnh thị trường, mở đầu cho sự thoái trào của café racer.
Khung Featherbed là lựa chọn hàng đầu trong thời hoàng kim của cafe racer.Nửa cuối những năm 70, xe Nhật bắt đầu trỗi dậy, thay thế dần xe Anh trên thị trường. Đi kèm với đó là sự thay đổi kiểu dáng của những chiếc xe đua. Bình xăng nhôm chế tác thủ công dần được thay thế bởi những bình xăng công nghiệp vuông, hẹp, làm từ sợi thủy tinh. Ghi đông clip-on được thay bằng ghi đông clubman kềnh càng hơn. Động cơ của Kawasaki và Honda cũng bắt đầu trở thành tiêu chuẩn mới cho café racer.
Honda CB750.
Kawasaki Z750.
Khi café racer dần trở nên phổ biến và có tầm ảnh hưởng, các nhà sản xuất để tâm và cho ra lò những mẫu xe công nghiệp. Nhiều chi tiết được thêm thắt vào các mẫu xe có sẵn, nhưng lại không hề khiến chúng nhanh hơn hay hiệu quả hơn. Café racer chính thức đại chúng hóa và mất chất từ đó. Đại chúng hóa là số phận tất yếu của một trào lưu underground đầy phong cách và quyến rũ. Nhưng những gì thuộc về café racer trước đây, bao gồm những chiếc xe tự chế và tư tưởng hiện sinh cũng theo đó loãng dần. Và giống những trào lưu đại chúng khác, café racer sau một thời gian bùng nổ cũng bị thay thế để lùi về với lịch sử. Những năm gần đây, phong cách café racer bắt đầu trở lại. Không còn đậm dấu ấn của thời hoàng kim, café racer ngày nay đa dạng hơn cả về phong cách lẫn cấu tạo cơ khí, biến thể từ trung tính đến cực đoan tùy vào từng chủ nhân. Tuy nhiên, dù biến thể đến đâu, đặc điểm nổi bật nhất của café racer vẫn là sự thô ráp bụi bặm nhưng rất trẻ trung và linh hoạt, dành cho những con người luôn hướng đến tự do.
CBX1000 phong cách Café Racer.
Những chiếc Cafe thời hiện đại.
Nguồn: sưu tầm