Sửa chữa xe ô tô cũ, món mồi ngon cho các bác thợ? Trên thực tế, khá nhiều phụ nữ hiện đang sử dụng xe ô tô đều không rành về các chi tiết của thiết bị xe. Trong khi tập lái, lấy bằng lái ở Việt Nam đa số là học vận hành, ít người tìm hiểu chi tiết động cơ, cấu tạo xe như các nước khác. Chính vì vậy, người lái hiểu vận hành, nhưng không biết chiếc xe vận hành do đâu, vì sao vận hành. Đây cũng chính là điểm yếu khiến không chỉ chị em bị lừa mà còn cả những đức ông chồng cũng bị thợ xe dắt mũi.
- Dưới 200 triệu nên mua xe gì có thiết kế đẹp & bền
- 400 triệu nên mua xe ô tô gì mới để đi lại, làm việc trong thành phố
Sửa chữa xe ô tô cũ, món mồi ngon cho các bác thợ?
Hiện nay, có một thực tế là rất nhiều loại xe cũ đã qua sử dụng được nhập về Việt Nam nhưng không được hãng bảo hành. Đa số người sử dụng đem ra những chỗ quen biết hoặc có uy tín kiểu “truyền miệng” để sửa chữa. Tuy nhiên, đây chính là nơi những thượng đế bị chặt chém nhiều nhất. Sửa ô tô cũ đang có nhiều mánh móc túi người có xe, đặc biệt ở một số cơ sở sửa chữa nhỏ lẻ ở tỉnh.
Ô tô cũ, phụ nữ dễ bị “chém đẹp” khi sửa xe
Theo chị Hà tại Hải Dương, chủ nhân của một chiếc xe ô tô hiệu Mercedes dòng C, đời năm 2010: Do không am hiểu về xe nên chị được một người bạn giới thiệu đến điểm sửa xe tại một cơ sở khá lớn chuyên sửa ô tô du lịch. Mới đầu thợ chỉ báo hỏng thiết bị bơm nạp xăng, dẫn đến xe chết máy, đề nghị thay thế. Mức giá thợ báo là 16 triệu đồng (bao gồm cả công), thiết bị chính hãng nhà sản xuất. Sau khi tham khảo ý kiến một vài người, chị chấp nhận.
Tuy nhiên, sau khi thay mới, xe tiếp tục không nổ máy, thợ sửa xe yêu cầu được kiểm tra lại và báo tiếp là lọc xăng và lọc dầu máy đã hư nên tắc xăng, không thể vận hành. Thợ báo luôn giá cả 2 bộ thiết bị trên là hơn 8 triệu đồng, xót tiền nhưng không còn cách nào khác, xe chưa khởi động được nên chị Hà quyết định thay mới. Đồng thời yêu cầu thợ sửa kiểm tra lần cuối cùng xem còn hư hỏng ở đâu. Ngay sau khi thay mới 3 bộ thiết bị trên, xe đã khởi động ổn định. Để yên tâm, chị để xe nổ máy 15 phút và yêu cầu được lấy toàn bộ hộp, vỏ của thiết bị thay mới.
“Mọi việc xong xuôi, tôi yên tâm đi về và sau đó có kể cho một vài người thân quen và 1 số người bạn. Không ai nghi ngờ gì bởi nhìn trên hộp và vỏ của các thiết bị đều có mã vạch, sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, tình cờ sau đó tìm hiểu tại đại lý chính hãng và một số sản phẩm cùng loại bán trên thị trường, tôi ngã ngửa vì mình đã mua bộ thiết bị đắt hơn rất nhiều so với thị trường”, chị Hà nói.
Chống mánh móc túi, không nên đi sửa xe một mình
Trên thực tế, như chị Hà, khá nhiều phụ nữ hiện đang sử dụng xe ô tô đều không rành về các chi tiết của thiết bị xe. Trong khi tập lái, lấy bằng lái ở Việt Nam đa số là học vận hành, ít người tìm hiểu chi tiết động cơ, cấu tạo xe như các nước khác. Chính vì vậy, người lái hiểu vận hành, nhưng không biết chiếc xe vận hành do đâu, vì sao vận hành. Đây cũng chính là điểm yếu khiến không chỉ chị em bị lừa mà còn cả những đức ông chồng cũng bị thợ xe dắt mũi.
Thị trường ô tô hiện tồn tại hai loại xe cũ và mới, xe mới còn thời gian bảo hành, bảo dưỡng của hãng nên việc hư hỏng linh phụ kiện chưa xuất hiện. Nếu va quệt hoặc tai nạn phải thay mới linh kiện thì đều được bảo hiểm chi trả hoàn toàn hoặc 1 phần. Còn đối với xe cũ, đặc biệt là xe hết số km bảo dưỡng, xe không mua bảo hiểm tự nguyện thì vấn đề hư hỏng linh kiện rất đau đầu và tốn kém.
Ông Lâm Chí Quang, một chuyên gia ô tô cho rằng: Dù không phải đa số, nhưng khá nhiều xưởng sửa chữa xe ô tô ở địa phương, thợ trực tiếp sửa ô tô kiểu “lâu thành quen”, đi từ anh phụ việc, thành thợ sửa xe chuyên nghiệp và học được đủ những mánh khóe trong nghề. Trong khi đó, ô tô ngày càng có những chi tiết điện tử phức tạp, người sở hữu khó biết được và thợ sửa được cũng không phải đơn giản. Chính vì vậy, việc giao xe cho người không có chuyên môn không cẩn thận sẽ chỉ rước bực vào thân, vừa tốn tiền vừa hại mình.
Ngoài thị trường, những điểm sửa xe hiện nay đều nhập hàng theo lô và chia sẻ linh kiện với nhau. Mức giá nhập lô được chiết khấu % từ bên bán, sau đó các cơ sở sửa ô tô nhập và chia sẻ cho nhau để giảm giá thay đồ, cạnh tranh với các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng. Khi thay đồ cho khách, chủ xưởng lại nâng tiền chênh thiết bị lên chút ít để lấy lời. Như vậy, cùng một thiết bị, công thay, sửa, thợ xe đã ăn 3 lần lời: lời chiết khấu thiết bị, lời giá chênh thiết bị cho khách và cộng thêm tiền công sửa.
Theo Minh, một thợ sửa xe ô tô chuyên nghiệp tại phố Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội: Với khách có xe cũ cần tỉnh táo khi đem sửa chữa bên ngoài. Vì thợ sửa xe đều “nhìn mặt đặt giá”, lái mới, không am hiểu về xe, hoặc lái xe là nữ, tốt nhất không nên tự mang xe đi sửa nhằm tránh bị chém đẹp không mong muốn.
Thực tế, dân lái xe vẫn thích mua các dòng xe cũ hoặc mới của Toyota, Hyundai, Honda… bởi các loại xe này thay đồ tiện, giá rẻ, có đối chiếu nhiều điểm sửa chữa khác nhau. Trong khi đó, ở những tỉnh lẻ, nơi xe cũ đang đổ về mạnh, các dòng xe sang như BMW, Mercedes, Audi, Range Rover… khá hiếm xưởng bảo hành, bảo dưỡng. Chính vì vậy, nếu có xe, người sử dụng phải đem ra các xưởng sửa xe nhỏ lẻ, giá cả thiết bị đắt đỏ, thợ không chuyên nghiệp… Điều này nên xe cũ các dòng hạng sang rất khó bán thời điểm hiện nay, cho dù uy tín thương hiệu, chất lượng tốt hơn so với các dòng xe liên doanh Nhật, Hàn tại Việt Nam.
Nguồn laodongthudo.vn